PHONG CÁCH JAPANDI: Sự Điềm Tĩnh, Giản Dị Và Tự Nhiên
──────────────────────────────────────────────────────────────────
Japandi là sự giao thoa văn hóa giữa nghệ thuật thiết kế Nhật Bản & Scandinavia.
Japandi là gì?
Phong cách Japandi là sự kết hợp giữa thiết kế Scandinavia và thiết kế Nhật Bản. Đó là khi phong trào Đông Tây gặp nhau. Japandi pha trộn các yếu tố nghệ thuật Nhật Bản với triết lý Wabi Sabi và sự thoải mái, ấm áp, mang tinh thần Hygge của Scandinavia. Phong cách này chú trọng sự đơn giản, các yếu tố tự nhiên, tính thoải mái và bền vững.
Japandi mang đậm bản sắc văn hóa và tinh thần vào thiết kế (phòng khách Japandi Style)
Ngoài ra, Japandi còn tập trung vào nội thất yên tĩnh, tối giản và tiện dụng, tính thẩm mỹ chạy xuyên suốt và thẩm thấu vào từng chi tiết và dáng hình nội thất. Đây không chỉ là một phong cách nội thất, mà nó còn thúc đẩy, định hình và phát triển lối sống lành mạnh và có ý nghĩa hơn. Japandi dạy chúng ta biết trân trọng và nhìn thấy vẻ đẹp từ những điều bình dị, nhỏ nhặt, tạo nên mối liên hệ sâu sắc với trái đất và thiên nhiên và đồng thời biết tận hưởng những thú vui đơn giản của cuộc sống.
Không gian phủ lớp áo nhẹ nhàng, ấm cúng, nhiều cảm xúc (phòng khách Japandi Style)
♦ Lịch sử của phong cách Japandi
Sau chính sách đóng cửa biên giới kéo dài khoảng 200 năm của Nhật Bản, họ đã mở cửa biên giới vào giữa những năm 1850. Lúc này, các nhà thiết kế và nghệ sĩ Scandinavia bắt đầu đến thăm Nhật Bản và nhanh chóng say mê phong cách của đất nước xứ mặt trời mọc. Những món đồ mang đậm chất văn hóa và truyền thống Nhật đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ và nhà thiết kế người Scandinavia. Japandi là sự kết hợp tự nhiên giữa hai nền văn hóa đề cao chủ nghĩa tối giản và sự yên tĩnh.
Japandi tạo nên sự gắn kết với tự nhiên bằng nhiều cách: không gian mở đón sáng, họa tiết xanh, sự có mặt của cây cối,.. (phòng ngủ Japandi Style)
Mặt khác, vì tinh thần Nhật Bản và Scandinavia có nhiều điểm tương đồng, đã khiến sự kết hợp trở nên dễ dàng. Cụ thể, người Nhật và người Scandinavi có nhiều điểm chung về thiết kế và thẩm mỹ: cả 2 đều coi trọng sự đơn giản, chất lượng tốt, chất liệu tự nhiên và sự khéo léo. Dựa trên sự giống nhau của chúng, Japandi ra đời và nâng Nhật Bản và Scandinavia lên một tầm cao mới.
Những dấu ấn mang hơi thở văn hóa Nhật hiện diện trong không gian (phòng khách Japandi Style)
Những đặc trưng của phong cách nội thất Japandi
Từ khóa chính của Japandi Style
- Sạch sẽ và trật tự.
- Chất lượng hơn số lượng.
- Kết nối tự nhiên
Văn hóa trà đạo Nhật cũng thường xuất hiện trong không gian Japandi (phòng ngủ Japandi Style)
Đặc trưng của Japandi Style
1. Bảng màu trung tính mang lại cảm giác thanh bình, yên tĩnh và có sự gắn kết với tự nhiên. Chẳng hạn như:
- Các màu trung tính nhẹ nhàng: Trắng ấm hoặc kem, màu ngà, xám mềm, xanh lam và màu be.
- Tông màu đất: Các sắc thái trầm của đất sét, đất nung và màu nâu sẫm.
- Màu gỗ ấm: Gỗ tuyết tùng và Thông đỏ (gỗ sẫm màu hơn) & Gỗ sồi và Gỗ tếch (gỗ sáng màu).
- Màu xanh nhạt: Các sắc thái hữu cơ của màu xanh lá cây, cây xô thơm mềm và màu xám xanh.
- Sắc độ tương phản tối: Đá granite, chàm và đen.
Chất liệu thô mộc là điểm nhấn tuyệt vời cho không gian dễ chịu, thanh thản (phòng ngủ Japandi Style)
2. Chất liệu tự nhiên, tập trung mạnh vào tính bền vững và thẩm mỹ thân thiện với môi trường. Chẳng hạn như:
- Đối với nội thất: Mây, đan lát, gỗ (quả óc chó, quả sồi, gỗ tếch), cây tre, chất liệu bọc (hỗn hợp vải lanh, bông hoặc lanh).
- Đối với dệt may: Vải lanh hữu cơ, bông hữu cơ, vải muslin bông hữu cơ, nhung
- Đối với trang trí: Đất nung, đất sét, thủy tinh, bê tông, gỗ, thực vật.
Một góc phòng đơn giản là đủ để gia chủ thư giãn (phòng ngủ Japandi Style)
3. Đường nét rõ ràng, thiết kế và hình dạng đơn giản, tối giản nhưng khác biệt.
4. Không gian mở, thông thoáng và sáng.
5. Nội thất tinh xảo và trường tồn với thời gian, coi trọng chất lượng hơn số lượng.
Ban công cũng là nơi mang chất Japandi rõ nét vì đây là không gian tương tác với tự nhiên
Japandi tôn vinh vẻ đẹp đời thường và sự kết nối với thiên nhiên. Đó chẳng phải là điều mà ta đang kiếm tìm trước sự vội vã của cuộc sống hay sao? Nhà phải là nơi ấm êm, dịu dàng, vỗ về người ta sau những vất vả bên ngoài.
Gợi ý dự án phong cách Wabi Sabi từ PS INTERIOR DESIGN:
Các bài viết liên quan: