Căn hộ Diamond Centery có lợi thế về ánh sáng, layout vuông vức và tầm nhìn thoáng rộng, phù hợp với hầu hết các phong cách thiết kế khác nhau. Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm một không gian sống độc đáo, vừa tối giản, vừa ấm cúng mà vẫn toát lên nét tinh tế hiện đại, thì phong cách Japandi sẽ là lựa chọn không thể bỏ qua. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa chất Nhật mộc mạc và tinh thần Bắc Âu thanh lịch, mang đến một tổng thể cân bằng, thư thái và đầy chiều sâu cho tổ ấm của bạn.
Có thể bạn quan tâm:
- GỢI Ý THIẾT KẾ NỘI THẤT CĂN HỘ DIAMOND CENTERY | PHONG CÁCH WABI SABI
- THIẾT KẾ NỘI THẤT CĂN HỘ DIAMOND CENTERY TỐI GIẢN | XU HƯỚNG SỐNG MỚI
- GỢI Ý MẪU THIẾT KẾ NỘI THẤT CĂN HỘ DIAMOND CENTERY | CHUẨN XU HƯỚNG HIỆN ĐẠI
1. Đặc trưng nổi bật của phong cách Japandi
Màu sắc trung tính, tự nhiên, thông thường sẽ là tông be, trắng ngà, xám tro hoặc gỗ nhạt là những gam màu chủ đạo. Thi thoảng có thể nhấn nhá bằng sắc đen, xanh rêu hoặc màu đất nung để tạo chiều sâu. Sử dụng chất liệu tự nhiên như gỗ, mây, tre, đá thô hoặc vải linen thô ráp để tạo cảm giác gần gũi, ấm áp mà vẫn tinh tế. Về nội thất, ưu tiên các thiết kế đơn giản, gọn gàng, độ cao vừa phải, ưu tiên công năng và sự thoải mái trong sinh hoạt. Đặc biệt, Japandi đề cao sự thông thoáng, ánh sáng tự nhiên và bố trí hợp lý. Đây là điểm cộng lớn khi áp dụng vào căn hộ tại Celadon City, nơi vốn có thiết kế mở, gần gũi với thiên nhiên.
2. Gợi ý bố trí không gian căn hộ theo phong cách Japandi
2.1. Phòng khách - bếp
Chiếc bàn trà thấp kết hợp cùng đệm ngồi tròn là điểm nhấn mang đậm tinh thần Nhật Bản, giúp không gian vừa gọn gàng vừa ấm cúng. Thiết kế hạn chế chi tiết rườm rà, ưu tiên các đường nét gọn gàng. Chất liệu gỗ mộc, cói, và vải thô cũng được sử dụng linh hoạt để tạo nên cảm giác gần gũi, thân thiện với thiên nhiên. Lối thiết kế này không chỉ có thể áp dụng cho phòng khách, mà phòng trà hoặc một góc thư giãn riêng trong căn hộ cũng rất phù hợp.
Bàn ăn không cần quá rộng hay cầu kỳ, đơn giản nhỏ gọn là đã hoàn toàn có thể tạo nên một không gian đậm chất Japandi. Có thể thêm một bức tranh thủy mặc và đèn tròn ánh vàng để tạo cảm giác như đang ngồi giữa một góc quán trà Nhật yên tĩnh.
Đối với khu bếp, để tối ưu không gian và công năng sử dụng, nên thiết kế theo dạng chữ L. Tủ bếp và các thiết bị đều được tích hợp âm tường, tối giản nhưng vẫn có chút sang trọng, đặc biệt là không gây cảm giác nặng nề hay chật chội.
2.2. Phòng ngủ Master
Phòng ngủ là nơi riêng tư, là nơi nên được thiết kế tinh tế và đúng gu để thoải mái nhất có thể. Với Japandi, hãy loại bỏ hoàn toàn những chi tiết rườm rà. Giữ lại chiếc giường bệt gỗ đơn giản, phần vách đầu giường được thiết kế chia khối rõ ràng, vừa có tính trang trí, vừa giữ sự tối giản cần có. Tông màu be - nâu trầm - xám nhẹ sẽ là sự kết hợp hài hòa, giúp căn phòng trở nên yên tĩnh và dễ chịu hơn. Nội thất nên ưu tiên chất liệu tự nhiên như gỗ, vải thô, vừa tạo cảm giác thư thái, vừa thân thiện với người dùng.
2.3. Phòng thay đồ
Để đồng bộ phong cách, toàn bộ hệ tủ nên được thiết kế với gỗ sáng tự nhiên, cánh cửa đan nan mây. Không những mang lại cảm giác mộc mạc, gần gũi, mà còn tạo sự thoáng khí cho quần áo. Có thể kết hợp thêm dạng cửa kính, trưng bày những món đồ yêu thích như túi xách, mũ, khăn,...một cách sang trọng nhưng không phô trương.
2.4. Phòng xông hơi
Với phong cách đậm tinh thần Nhật Bản thì một phòng xông hơi tại gia không có gì là quá xa lạ. Bạn có thể cân nhắc bố trí phòng xông này gần khu thay đồ hoặc trong khu vực khép kín của phòng ngủ master, vừa riêng tư vừa tiện lợi.
2.5. Phòng làm việc
Đây là không gian không chỉ cần sự yên tĩnh, mà còn phải tạo được cảm giác dễ chịu và khơi gợi sự sáng tạo. Bàn làm việc có đường cong mềm mại, không góc cạnh, một chi tiết nhỏ nhưng sẽ giúp bạn thấy dễ chịu khi sử dụng lâu dài. Phía sau là hệ tủ sách gọn gàng, có ánh sáng hắt nhẹ giúp tôn lên các vật trang trí và sách yêu thích, mà không làm rối mắt. Có thể đặt chiếc đàn piano trắng tinh giản ở phía bên trái, vừa mang tính thư giãn, vừa là điểm nhấn tinh tế giúp không gian không quá cứng nhắc.
2.6. Ban công
Một nơi để ngồi đọc sách, uống trà, hoặc chỉ là hít thở và ngắm cảnh, thì chỉ cần một chiếc ghế mây đơn giản, bàn trà gỗ nhỏ và vài chậu cây xanh là đủ. Một góc tiểu cảnh nước nhỏ bên tường càng làm tăng thêm sự mộc mạc, thư thái và đầy thiền vị.
Thiết kế căn hộ theo phong cách Japandi không đơn thuần là chọn nội thất mộc mạc hay phối màu trung tính. Đó còn là cách bạn xây dựng một lối sống nhẹ nhàng, có chọn lọc. Nếu bạn đang tìm kiếm một không gian sống hiện đại nhưng không lạnh lẽo, đơn giản mà vẫn đầy cảm xúc, Japandi có thể chính là đáp án dành cho bạn.